VIỆT NAM - LÀO: SỰ GẮN BÓ XUYÊN THỜI GIAN

Thứ năm - 29/04/2021 09:52 114 0
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (02/12/1975 - 02/12/2020), cùng nhìn lại mối quan hệ đặc biệt của hai dân tộc nói chung và quan hệ của tỉnh Bình Định với các địa phương của Lào nói riêng trong hiện tại và tương lai vì sự trường tồn và phát triển bền vững trong thời gian tới.
VIỆT NAM - LÀO: SỰ GẮN BÓ XUYÊN THỜI GIAN
Bền chặt mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam. Tháng 10 năm 1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc (Việt Nam, Lào, Campuchia) ở Đông Dương.

Thời gian từ năm 1930 đến năm 1945 là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Với đặc điểm “Đông Dương là một chiến trường”, cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, từ năm 1945 đến năm 1975, nhất thiết phải liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.

Tháng 4/1975, trước thắng lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam và Campuchia, nhất là chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) của nhân dân Việt Nam, ngày 5/5/1975, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức Hội nghị mở rộng, quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời (ngày 02/12/1975) là thắng lợi to lớn, triệt để của nhân dân các dân tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục…

Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi; bằng mồ hôi, công sức và sự hy sinh xương máu của biết bao cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ của hai dân tộc đã xây đắp nên mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng, mẫu mực giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, là nguồn sức mạnh to lớn giúp cho hai dân tộc chúng ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược trên con đường giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Mối quan hệ đặc biệt đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đặt nền móng, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện, Người từng căn dặn:
 
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long

Lời dặn đó đã nhắc nhở các thế hệ của hai nước Việt Nam - Lào anh em về tình cảm và sự gắn bó keo sơn cần được gìn giữ và vun đắp. Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cũng đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Kế tục và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, ngày nay Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào không ngừng vun đắp và truyền tiếp mãi mãi cho các thế hệ mai sau tài sản vô giá là tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ thủy chung và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, coi đây là quy luật phát triển và là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
 
Bình Định - Nam Lào hợp tác cùng phát triển

Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo các tỉnh Nam Lào đã có nhiều chuyến viếng thăm, ký kết chương trình hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong hiện tại và tương lai. Các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp hai bên đã triển khai thực hiện chương trình hợp tác này một cách cụ thể và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chương trình hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Định với 4 tỉnh Nam Lào (Attapu, Champasak, Salavan, Sekong) được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công thương, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao - du lịch, an ninh quốc phòng…, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là một nội dung hợp tác quan trọng, có tính chiến lược lâu dài, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tỉnh Bình Định đã cấp học bổng cho sinh viên các tỉnh Nam Lào sang học tiếng Việt, cao đẳng, đại học, thạc sỹ với nhiều ngành và chuyên ngành khác nhau.

Từ năm 2002 đến nay, Trường Đại học Quy Nhơn đã đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho gần 1.000 lưu học sinh, cấp bằng cho 485 lưu học sinh trình độ đại học và 23 lưu học sinh trình độ thạc sỹ. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bình Định đã cấp học bổng cho 154 sinh viên Lào học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn với các ngành nghề như điện, điện tử công nghệ, cơ khí, công nghệ ô tô, hàn. Hiện nay, có tổng số 117 sinh viên Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Ngoài ra, hợp tác về nông nghiệp cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, được các tỉnh bạn đánh giá rất cao, theo đó, tỉnh đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh bạn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ các tỉnh Nam Lào sang thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển nông lâm nghiệp - nông thôn; xây dựng các chương trình dự án, liên doanh, liên kết, thu mua nông sản, đào tạo giúp đỡ về kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi... Trong lĩnh vực công thương, hai bên đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hoá, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp của Bình Định sang đầu tư, kinh doanh tại Lào. Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Bình Định đều mang lại hiệu quả tốt, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương nước sở tại, được lãnh đạo các tỉnh bạn đánh giá cao, góp phần nâng cao quan hệ hữu nghị hợp tác, đầu tư giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào.
 
Nâng tầm hợp tác hướng tới chất lượng và hiệu quả

Trên cơ sở những kết quả to lớn của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào những năm qua, ưu tiên cao nhất đặt ra là cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Tại Bình Định, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân sẽ ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với mục tiêu là phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung, Việt Nam; trong đó tập trung phát triển 5 trụ cột chính gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh làm các khâu đột phá. Với nền tảng đó, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế với các đối tác, địa phương nước ngoài, đặc biệt là không ngừng vun đắp và phát huy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các tỉnh Nam Lào.

Thời gian tới, Bình Định và các tỉnhNam Lào sẽ tổng kết, đánh giá Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016 - 2021 và xem xét ký kết hợp tác giai đoạn tiếp theo hướng tới chất lượng và hiệu quả, góp phần đưa mối quan hệ Việt - Lào nói chung, Bình Định và các tỉnh Nam Lào nói riêng lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
binhdinh.gov.vn
attapeu
champasac
sekong
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2
  • Tháng hiện tại68
  • Tổng lượt truy cập11,615
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây